Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

KHI CÓ LỰC ĐẨY



Khi Có Lực Đẩy
Vả, khi Pha-ra-ôn tha dân Y-sơ-ra-ên đi, Đức Chúa Trời không dẫn dân ấy đi theo đường về xứ Phi-li-tin, là đường gần hơn hết, vì Ngài nói rằng: E khi dân thấy trận mạc, dời lòng trở về xứ Ê-díp-tô chăng — Xuất Êdíptô ký 13:17
Phần đọc Ngũ Kinh [Xuất Êdíptô ký 13:17 – 17:16; Các Quan Xét 4:4 – 5:31] tuần này dẫn chúng ta đến chặng kế tiếp trong cuộc Xuất Ai-cập với con cái Israel sau cùng đã rời khỏi Ai-cập. Phân đoạn này khởi sự: “Vả, khi Pha-ra-ôn tha dân Y-sơ-ra-ên đi…". Và chính lời lẽ này mà phân đoạn Kinh Thánh ấy có tên là “Beshalach" “khi ông ta tha họ đi".

Bậc thánh hiền Do-thái bị bối rối bởi lời lẽ của câu này. Tại sao Pha-ra-ôn, nhân vật phản diện của câu chuyện, thậm chí còn được nhắc tới? Câu Kinh Thánh ấy lẽ ra phải nói: “Khi dân sự ra khỏi Ai-cập…". Hoặc: "Khi Đức Chúa Trời đưa dân sự ra khỏi Ai-cập…". Tại sao lại dành công trạng cho gã xấu xa vì vai trò của gã trong việc Xuất Ai-cập chứ? Và tại sao toàn bộ phân đoạn lại được đặt tên vì các hành động của hắn chứ?

Truyền khẩu Do-thái dạy rằng khi Pha-ra-ôn sau cùng đã cho phép người Do-thái rời khỏi Ai-cập, họ rất sợ phải ra đi. Đấy là lý do tại sao Kinh Thánh chép rằng Pha-ra-ôn tha họ đi, sát nghĩa trong tiếng Hy-bá-lai nguyên gốc ý nói Pha-ra-ôn đã tha cho họ đi. Sau tất cả những năm tháng khao khát rời Ai-cập, khi thời điểm đến, Pha-ra-ôn và quân đội của ông ta đã phải đẩy Israel ra khỏi cửa! Làm sao được như thế chứ?

Phản ứng của người Do-thái tiêu biểu cho một phần cơ bản bản chất của con người: Hầu hết chúng ta đều chống lại sự thay đổi. Chúng ta sợ điều chưa biết. Chúng ta mơ ước nhiều về việc tạo ra các thay đổi trong cuộc sống của mình, khi cơ hội đến để thay đổi chúng, chúng ta thường nép mình trong sợ hãi.

Đây là chỗ mà Pha-ra-ôn đã bước vào. Đôi khi, Đức Chúa Trời giúp chúng ta thực hiện những bước đầu tiên hướng tới sự thay đổi bằng cách cung ứng cho chúng ta một lực đẩy. Lực đẩy đó thường xuất hiện dưới hình thức một nhân vật phản diện, chẳng hạn như một người có tánh khó khăn hay một hoàn cảnh đầy thách thức. Có thể đó là một công việc làm ăn hoặc một mối quan hệ bị gãy vỡ. Chúng ta có thể bực tức về hoàn cảnh mới của mình, song cuối cùng, các khó khăn là những điều khiến cho chúng ta phải thay đổi. Nhân vật phản diện trở thành anh hùng của chúng ta!

Hãy xem bài thơ ngắn này của nhà thơ người Pháp Guillaume Apollinaire: “Ngài phán: Hãy ra chỗ mép vực sâu kia. Họ đáp: chúng tôi sợ lắm. Ngài phán: Hãy ra chỗ mép vực sâu kia. Họ ra đó. Ngài đẩy họ ... và họ bay đi!”

Bạn thấy đấy, thỉnh thoảng chúng ta phải bị đẩy như thế để chúng ta sẽ dang rộng đôi cánh rồi bay đi. Chúng ta sợ không dám bay bằng sức riêng của mình. Khi Pha-ra-ôn đẩy người Do-thái ra khỏi xứ Ai-cập, ông ta đã buộc họ phải bước ra trong đức tin. Họ không có một sự lựa chọn nào ngoài việc đặt lòng tin cậy của họ nơi Đức Chúa Trời. Và vì cớ ấy, họ đã có thể tiếp tục bước đi và nhận lãnh Mười Điều Răn rồi kế thừa phần đất của Y-sơ-ra-ên.

Lần tới, cuộc sống cung ứng cho bạn một lực đẩy, hãy nhớ rằng con cái Israel vào đêm trước khi họ rời khỏi Ai-cập, cũng sợ hãi và bất an. Đức Chúa Trời không tìm cách đẩy bạn xuống đâu; Ngài muốn bạn bay đi kìa!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét