Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

PHƯỚC LÀNH CỦA JERUSALEM



Phước Lành Của Jerusalem
Nguyện Đức Giê-hô-va từ Si-ôn ban phước cho ngươi; Nguyện trọn đời mình ngươi được thấy sự phước lành của Giê-ru-sa-lem. Nguyện ngươi được thấy con cháu mình! Nguyện sự bình an giáng trên Y-sơ-ra-ên! — Thi thiên 128:5–6

Tại sao Đức Chúa Trời chọn Ápraham? Ápraham không phải là người đầu tiên công nhận Đức Chúa Trời. Nôê đã có một mối quan hệ với Đức Chúa Trời, và dòng dõi ông là Sem và Hêbe không những nhận biết Đức Chúa Trời, nhưng họ đã dựng lên một nơi mà ở đó họ có thể học hỏi và tiếp thu về một Đức Chúa Trời chơn thật duy nhứt. Vì vậy, đâu là đặc điểm nơi Ápraham mà Đức Chúa Trời lại chọn lập giao ước với ông chứ?

Bậc thánh hiền Do Thái giải thích rằng Ápraham là người đầu tiên đưa sứ điệp của Đức Chúa Trời vào trong thế gian. Ông đóng trại của mình trên một trục lộ chính, mở cửa trại đó ra 4 phía, rồi mời khách lạ vào trong để uống nước và nghe nói về Đức Chúa Trời. Bậc thánh hiền Do thái ví Sem và Hêbe với một lọ nước hoa có nút chai trong đó – cái nút chai ấy có gì tốt chứ? Nhưng họ dạy rằng Ápraham giống như một lọ nước hoa không có nút chai – lan toả một mùi thơm tuyệt vời trong thế gian và để lại một ấn tượng cụ thể nơi bất cứ ai đi ngang qua con đường ấy. Đó là lý do tại sao Ápraham đã được chọn làm người cộng tác với Đức Chúa Trời.

Thi thiên 128 trao chuyển những ơn phước lớn cho những ai kính sợ Chúa và bước đi trong sự vâng phục. Nhưng rồi Thi thiên kết thúc với một ơn phước về việc xem thấy phước lành của thành Jerusalem và cầu xin sự bình an trong xứ Israel. Những ơn phước nầy sánh thế nào với các ơn phước của người công bình? Tại sao một người công bình ngồi giữa nước Mỹ với một đại gia đình và có rất nhiều đồ ăn, lại cần đến sự bình an ở trong xứ Israel?

Thi thiên 128 được viết ra để nhắc cho chúng ta nhớ rằng cho đến khi có sự hòa bình ở thành Jerusalem, rồi kết quả là toàn thế giới, không một ai trong chúng ta từng trọn vẹn cả. Chúng ta có thể có nhiều ơn phước trên thế gian, tuy nhiên hãy còn thiếu một điều gì đó. Ápraham đã đem sứ điệp của Đức Chúa Trời đến với thế gian bởi vì ông nhận ra rằng hết thảy chúng ta đều kết nối với nhau. Nếu bất kỳ một người duy nhất nào hụt mất Đức Chúa Trời, khi ấy Ápraham, cũng hụt mất một điều gì đó.

Nhân loại thì giống như một cơ thể, và bậc thánh hiền Do thái sánh thành Jerusalem với quả tim. Chỉ khi nào có sự hòa bình tại thành Jerusalem thì sẽ có hòa bình trên khắp thế giới. Và chỉ khi có hòa bình trên thế giới thì người công bình sẽ có sự bình an.

Khi cầu xin ơn phước của Đức Chúa Trời, nguyện chúng ta hãy cầu xin trong tinh thần của Ápraham, ông đã cầu thay vì ích của toàn thế gian. Khi chúng ta cầu xin cho hòa bình và sự thịnh vượng của thành Jerusalem, và do đó cả thế giới, chỉn khi ấy mọi ơn phước của chúng ta mới ra trọn vẹn được.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét