Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

PHẦN TỔNG THỂ CÁC CHI TIẾT



Phần Tổng Thể Các Chi Tiết

Môi-se nhóm hết hội chúng Y-sơ-ra-ên lại mà nói rằng: Đây là các việc của Đức Giê-hô-va đã phán dạy làm — Xuất Êdíptô ký 35:1

Cái nào quan trọng hơn – tổng thể hoặc các chi tiết của nó?

Hết thảy chúng ta đều biết rằng tổng thể thì lớn hơn tổng các phần, nhưng cũng rất thực ở chỗ giá trị của tổng thể được quyết định hoàn toàn bởi giá trị các chi tiết của nó. Vậy thì cái nào quan trọng hơn?

Trong cuộc sống, chúng ta đương đầu với tình trạng chẳng đặng đừng này. Có phải chúng ta thúc đẩy để có tinh thần đồng đội – có phải chúng ta tự dạy dỗ bản thân mình và con cái chúng ta rằng các nhu cầu cá nhân đáng phải gạt qua một bên vì lợi ích của cộng đồng không? Hay có phải chúng ta nhấn mạnh đến giá trị của tính cách cá nhân và nhấn mạnh đến tính duy nhất và đặc biệt của từng người, được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời?

Sự căng thẳng giữa hai luồng tư tưởng này được kết lại với nhau trong hai phần Kinh Thánh của chúng ta - Vayakel [Xuất Êdíptô ký 35:1 – 40:38]Pikudei [I Các Vua 7:51 – 8:21] – hai phần này, không giống như các phân đoạn trước, thường được đọc cùng với nhau trong cùng một ngày Sa-bát.

Vayakel có nghĩa là "nhóm lại" như trong "Môi-se nhóm hết hội chúng Israel lại. . .". Có rất nhiều từ Hy-bá-lai nói tới "kết lại" hoặc "tập hợp lại" nhưng Vayakel, hơn bất kỳ từ ngữ nào khác, nhấn mạnh đến sự nhóm nhau lại vì mục đích tạo thành một tổng thể. Từ "nhóm lại" trở thành một "hội chúng".

Mặt khác, Pikudei có nghĩa là "đếm". Từ này nhấn mạnh rằng mọi người đều "đếm". Từng cá nhân đều quan trọng và độc đáo, một phần không thể thiếu trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.

Kỳ thực, hai phần Kinh Thánh thường được đọc cùng nhau dạy cho chúng ta biết rằng cả hai quan điểm là chính xác. Chúng không loại trừ lẫn nhau; thay vì thế chúng ta bổ sung cho nhau. Cái này mà không có cái kia là bất toàn; cần phải có hai cách nhìn vào mọi sự để có được cuộc sống đúng đắn.

Có lẽ đây là lý do tại sao một vị ra-bi nổi tiếng thường giữ hai miếng giấy trong túi mỗi ngày. Trong một cái túi, tờ giấy ghi: "Thế giới được dựng nên vì tôi!" Còn tờ giấy kia ghi: "Tôi chỉ là tro bụi". Cùng với nhau, cả hai nhận định này đều giữ cho một người được cân bằng. Phần khôn lanh là nhìn biết thời điểm để rút ra mảnh giấy nào kìa. Một số tình huống đòi hỏi sự biểu hiện của cá nhân, trong khi những người khác cần có sự yên tĩnh im lặng. Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhận biết tình huống nào có cần cho phương pháp tiếp cận nào.

Sứ điệp của phân đoạn Kinh Thánh gấp bằng hai trong tuần này dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta cần phải dành thời gian mỗi ngày để giải quyết cả nhu cầu cá nhân của chúng ta và cũng giải quyết các nhu cầu của thế giới ở chung quanh chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu mỗi ngày bằng cách hỏi cả hai: "tôi cần gì?" "Tôi có thể đóng góp gì cho thế giới?" Nếu làm theo như vậy, chúng ta sẽ kết thúc mỗi ngày với sự hài lòng sâu sắc đi kèm với việc nhìn biết rằng chúng ta có cả hai đã đóng góp vào sự hoàn hảo của thế giới Đức Chúa Trời trong khi cũng chăm sóc bản thân mình là con cái của Ngài.




Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG



Đường Về Quê Hương

“‘Tôi tớ ta là Đa-vít sẽ làm vua trên chúng nó. Hết thảy chúng nó sẽ có chỉ một kẻ chăn; chúng nó sẽ bước theo các mạng lịnh của ta; chúng nó sẽ gìn giữ các luật lệ của ta và làm theo — Ê-xê-chi-ên 37:24

Phần đọc Kinh Thánh tuần này: Sáng thế ký 44:18–47:27, và Ê-xê-chi-ên 37:15–28.

Không có gì tồi tệ hơn khi cảm thấy thứ gì xấu không thể thay đổi được. Đối với một đứa trẻ, giống như một món đồ chơi ưa thích bị hư không thể sửa chữa được nữa vậy. Đối với người lớn, điều này có nghĩa là lời lẽ gây tổn thương không bao giờ hối lại được. Có những thứ không thể thay đổi. Một số việc không bao giờ hàn gắn được. Tuy nhiên, cảm tạ Đức Chúa Trời, có một việc sẽ thay đổi.

Truyền khẩu Do-thái dạy rằng trước khi Đức Chúa Trời dựng nên thế gian, Ngài đã tạo ra sự ăn năn. Đức Chúa Trời vốn hiểu rõ nếu không có cách nào để hàn gắn những sai lầm của chúng ta, thế gian không thể tồn tại được. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta món quà ăn năn hầu cho chúng ta có thể xoay bàn tay thời gian quay lại và bắt đầu trở lại cách tươi mới.

Câu chuyện nổi tiếng nhất về sự ăn năn trong Kinh thánh của người Do-thái liên quan đến vua Ma-na-se trong II Sử ký 33. Kinh thánh cho chúng ta biết Ma-na-se đã bị người A-si-ri bắt đi làm phu tù và ông đã kêu la với Đức Chúa Trời, Ngài đã cứu ông và đưa ông về lại thành Giê-ru-sa-lem.

Truyền khẩu của người Do-thái có thêm nhiều thông tin. Để làm một câu chuyện dài ra ngắn, Ma-na-se sống thật là gian ác; ông đã phạm từng thứ tội lỗi ở dưới ánh mặt trời. Khi ông bị người A-si-ri bắt đi làm phu tù, họ đặt ông vào một cái nồi khổng lồ rồi bắt đầu luột ông. Ma-na-se bèn gọi các tà thần của ông song chẳng có ai đến cứu ông. Trong cơn tuyệt vọng, ông kêu cầu với Đức Chúa Trời của tổ phụ mình và nói: "Lạy Chúa, nếu Ngài không cứu tôi, thì Ngài chẳng tốt hơn các tà thần kia".

Khi các thiên sứ nghe như vậy, họ bèn tức giận. Họ đóng hết các cổng trên trời để chốt lại những lời cầu nguyện của kẻ gian ác này. Đức Chúa Trời đã làm gì chứ? Ngài đào một đường hầm dưới ngai vàng hầu cho những lời cầu nguyện của Ma-na-se có thể đến tận tai Ngài. Đức Chúa Trời phán cùng các thiên sứ: "Nếu ta chốt hết những lời cầu nguyện của hắn, ta cũng sẽ chốt luôn những lời cầu nguyện của những kẻ tội lỗi qua nhiều thế hệ. Đường hầm này mở ra cho Ma-na-se và bất cứ ai khác chịu đến với sự ăn năn chân thành, cho đến đời đời". Với đường hầm ấy, Ma-na-se đã được cứu.

Bậc thánh hiền Do-thái giải thích rằng trong Kỳ Tận Thế, hầu hết mọi người sẽ ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời. Nhưng sẽ có một số người không muốn thế. Họ cảm thấy quá bẩn thỉu, quá vướng mắc trong tội lỗi sẽ không được Đức Chúa Trời chấp nhận một lần nữa đâu. David, ông đã ăn năn sau khi ông phạm tội với Bát-sê-ba, sẽ dạy cho những linh hồn hư mất này biết con đường ăn năn, và họ cũng sẽ trở lại cùng Đức Chúa Trời. Thực vậy, bậc thánh hiền dạy rằng chính David, ông đã giúp tạo sự cảm thúc và động viên để Ma-na-se chịu ăn năn.

Quí bạn ơi, con đường ăn năn đang rộng mở cho hết thảy chúng ta. Đức Chúa Trời đã đào cái đường hầm ấy cho Ma-na-se và nó vẫn cứ rộng mở hôm nay. Đức Chúa Trời đang ngự trên ngai của Ngài và ngó xuống đường hầm ấy, Ngài chờ đợi từng con cái quí báu của Ngài trở về với quê hương.


Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

HOÀNG TỬ GÀ TÂY



Hoàng Tử Gà Tây
Nhưng khi chúng nó đi qua nơi hành lang ngoài, là nơi dân sự đứng, thì phải cởi áo xống hầu việc, để trong các phòng thánh, và mặc áo khác, hầu cho không lấy áo mình làm cho dân sự nên thánh — Ê-xê-chi-ên 44:19

Hoàng Tử Gà Tây là một câu chuyện của người Do-thái do Ra-bi Nachman xứ Breslov kể lại vào thế kỷ 18. Câu chuyện kể về một hoàng tử kia loạn tâm thần cứ tin rằng mình là gà tây. Chàng cởi bỏ y phục mình, ngồi ở dưới cái bàn, rồi ăn những mẫu bánh vụn rơi xuống sàn nhà. Nhà vua và hoàng hậu rất kinh hoàng. Nhiều người cố gắng chữa lành cho hoàng nam của họ, song chẳng có ai thành công cho đến một ngày kia, có một người khôn ngoan đến thị trấn và nói rằng ông có thể chữa lành cho hoàng tử.

Ông này cởi y phục ra rồi cùng với hoàng tử ngồi trên sàn nhà, ông cũng xưng mình là gà tây nữa. Dần dần, hoàng tử chấp nhận người này là bạn hữu và tin cậy ông ta. Người khôn ngoan khi ấy đề nghị với hoàng tử rằng gà tây cũng có thể mặc quần áo và ăn ở trên bàn. Từng bước một, người khôn ngoan ấy có thể khiến cho hoàng tử hành động bình thường cho đến khi hoàng tử được chữa khỏi hoàn toàn.

Cách giải thích câu chuyện của Ra-bi Nachman dạy rằng vị hoàng tử ấy tiêu biểu cho những người đã từ chối Lời của Đức Chúa Trời và cư xử giống như động vật hơn là con người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Người khôn ngoan ấy dạy cho chúng ta biết cách thức khôi phục lại những linh hồn này, làm bật ra sự thánh khiết nơi họ. Không phải bằng cách mắng nhiếc hoặc chối bỏ họ, song bằng cách gặp gỡ họ ở chỗ họ đang sinh sống và vòng tay yêu thương ôm lấy họ. Một khi sự kết nối đã được lập ra, các bước có thể được thực hiện để rồi có sự thay đổi lành mạnh.

Trong phần đọc Kinh Thánh tuần này [Lêvi ký 21:1 – 24:23; Ê-xê-chi-ên 44:15 - 31], chúng ta đọc về sự phục vụ của các thầy tế lễ trong Đền Thờ. Trong phần mô tả về công việc của họ, chúng ta đi qua sự dạy dỗ này: Nhưng khi chúng nó đi qua nơi hành lang ngoài, là nơi dân sự đứng, thì phải cởi áo xống hầu việc, để trong các phòng thánh, và mặc áo khác,. . .".

Bậc thánh hiền Do-thái hỏi lý do tại sao các thầy tế lễ được truyền cho phải để áo xống hầu việc của họ lại đàng sau rồi "mặc áo khác". Bảo các thầy tế lễ phải để áo xống hầu việc lại phía sau chắc cũng là đủ rồi. Họ cần phải mặc áo xống khác trước khi họ bước ra chỗ đông người, há chẳng rõ ràng sao?

Bậc thánh hiền giải thích rằng Kinh thánh nhấn mạnh sự cần thiết phải mặc loại "áo xống khác" này. Loại áo xống nào chứ? Loại áo của con người bình thường. Giống như câu chuyện của Ra-bi Nachman, câu Kinh Thánh này dạy cho chúng ta biết rằng khi chúng ta muốn gây cảm hứng cho người khác, chúng ta cần tiếp cận họ với mức độ có liên quan đến họ. Chúng ta cần phải chìa tay ra cho người khác bằng tình yêu, tình bạn và sự thân thiết; chỉn khi ấy chúng ta mới mong truyền cảm hứng cho họ để mặc áo xống hầu việc và biểu hiện cách xử sự của hạng người tin kính.