Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

SỢI DÂY ĐÁNH BA TAO


Sợi Dây Đánh Ba Tao

Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thế chống cự nó; một sợi dây đánh ba tao lấy làm khó đứt — Truyền đạo 4:12

Gần đây tôi đọc câu chuyện của một người mẹ đi qua sân trường của con trai thì cô phát hiện một băng ghế sơn màu sáng. Cô hỏi con trai cô nửa đùa nửa thật: "Đây có phải là nơi duy nhất để ngồi quanh đây không?" Trước sự ngạc nhiên của cô, nó đáp: "Không, đó là băng ghế kết bạn. Khi mọi người cảm thấy cô đơn, họ đến ngồi ở đó. Khi ấy, những đứa trẻ khác đến và yêu cầu họ chơi đùa và họ cảm thấy khá hơn".

Người mẹ vô cùng ấn tượng và cô hỏi: "Có bao giờ con sử dụng băng ghế kết bạn nầy chưa?" Con trai của cô giải thích: "Có ạ, khi con mới vào đây, và chưa quen ai hết. Con ngồi ở đó, và có bạn khác đến chơi đùa với con. Con vui lắm. Bây giờ, khi con nhìn thấy bạn nào đang ngồi ở đó, con biết phải bước qua và làm y như vậy".

Có một hệ thống kết bạn trong cuộc sống thì thật là tuyệt vời. Đôi khi, đó là một phụ huynh, một anh chị em ruột, vợ hoặc chồng, hoặc chỉ đơn giản là một người bạn. Dù là cách nào, chúng ta thấy vui hơn khi chúng ta có những người khác trong cuộc sống của mình. Khi chúng ta buồn bã, ai đó có thể nâng tinh thần của chúng ta lên. Khi chúng ta bối rối, một người khác có thể giúp mang lại sự vui vẻ cho chúng ta. Nếu chúng ta lạc đường, một người biết quan tâm có thể giúp chỉ cho chúng ta trở lại đúng hướng. Đây là ý nghĩa đơn giản của những gì Solomon đã viết trong sách Truyền Đạo: "Hai người hơn một".

Tuy nhiên, ở mấy câu sau đó, Solomon viết: “một sợi dây đánh ba tao lấy làm khó đứt. Hai có thể tốt hơn một, nhưng ba thậm chí còn tốt hơn. Hoặc có lẽ Solomon đã dạy rằng càng có nhiều người chung sức với nhau, thì càng tốt. Có sức mạnh trong số lượng khi đến với bất cứ việc gì trong cuộc sống.

Tuy nhiên, ý nghĩa cụ thể trong lời lẽ khôn ngoan của Solomon cho thấy 3 là con số nói tới sức mạnh. Giống như một chiếc ghế không thể đứng chỉ với hai chân, mà có thể đứng với ba chân, có sự ổn định khi nói đến con số 3. Một số nhà giải kinh cho rằng đây là một ám chỉ đến ba vị Tộc Trưởng - Ápraham, Ysác và Giacốp – đức tin của chúng ta đã được thiết lập qua họ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một bài học ở đây đề cập ngược về bản chất các mối quan hệ cá nhân của chúng ta. Trong bất kỳ mối quan hệ nào của hai người, quan hệ ấy sẽ mạnh mẽ hơn khi chúng ta ở trong Đức Chúa Trời, là nhân vật thứ ba. Điều này được minh hoạ hay nhất trong mối quan hệ vợ chồng. Khi các mẫu tự hình thành danh của Đức Chúa Trời trong tiếng Hybálai - ya-h – bị dời đi, từ ngữ còn lại là esh, chỉ ra cả hai: người nam và người nữ. Từ nầy cũng nói tới "lửa".

Bài học, ấy là không có Đức Chúa Trời trong một mối quan hệ, người ta có thể gây tổn thương và tiêu nuốt nhau. Nhưng khi chúng ta đem Đức Chúa Trời vào các mối quan hệ của chúng ta, chúng ta thưởng thức chúng đến mức tối đa - cả về thời gian và về chất lượng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét