Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

CÔNG VIỆC CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG


Công Việc Của Tình Yêu Thương
Người giao cho con cháu Ghẹt-sôn hai xe cộ và bốn con bò đực, tùy theo chức phận của họ. Người giao cho con cháu Mê-ra-ri bốn xe cộ và tám con bò đực, tùy theo chức phận của họ, có Y-tha-ma, con trai thầy tế lễ A-rôn, làm quản lý. Nhưng người không có giao chi cho con cháu Kê-hát, vì họ mắc phần công việc về những vật thánh, và gánh vác những vật đó trên vai mình  — Dân số ký 7:7–9

Thời buổi này các lò bánh có thể làm ra một số bánh mà người ta ưa thích. Nhưng tôi dám cược rằng với sự lựa chọn, hầu hết mọi người sẽ thích một chiếc bánh tự làm ở nhà ngon lành cho sinh nhật của họ hơn là chiếc bánh mua tại cửa hàng. Sở dĩ như thế là vì không có gì sánh được với cái chạm riêng tư. Một chiếc bánh làm tại lò có thể chứa các thành phần tốt nhất, nhưng chỉ có chiếc bánh làm tại gia mới chứa một liều lượng của tình yêu thương.

Trong phần Ngũ Kinh tuần này [Dân số ký 4:21 – 7:89; Các Quan Xét 13:2 - 25], chúng ta học biết rằng Môi-se đã giao bò và xe cộ cho hai trong số ba gia đình Lê-vi bắt buộc lo vận chuyển Đền Tạm khi dân Israel rời đi. Đối với người Ghẹt-sôn và Mê-ra-ri, họ vận chuyển các bức màn và chuyên chở xà ngang gắn trên Đền Tạm, Môi-se lo liệu sự vận chuyển. Song đối với gia đình Kê-hát, công việc của họ là lo chuyển những cái bình thánh như Hòm Giao Ước, chân đèn, và bàn đặt bánh trần thiết, không có bò hay xe cộ nào được cung cấp cho hết. Người Kê-hát phải tự gánh vác lấy chúng trên vai họ.

Tại sao có sự khác biệt như thế chứ?

Hàng trăm năm trước, Giô-sép đã cung ứng cho Gia-cốp cha ông và gia đình các anh em của ông. Ông truyền lệnh: Hãy đem xe cộ từ xứ Ê-díp-tô về cho con nhỏ và vợ mình, cùng dời cha các ngươi xuống đây (Sáng thế ký 45:19). Nếu bạn xem kỹ câu Kinh Thánh, câu này nói rằng các xe cộ dành cho vợ và con nhỏ của gia đình. Tuy nhiên, Gia-cốp đã được đưa xuống một cách riêng biệt. Bậc thánh hiền Do Thái giải thích rằng Gia-cốp phải được khiêng trên vai của các con trai ông theo cách tôn trọng và vinh dự. Nếu ông bị đặt trong một toa xe với mọi người khác, thì sẽ có ít tôn trọng hơn. Được khiêng bởi bàn tay và vai của các con trai ông là một dấu hiệu của tình yêu thương, sự tôn trọng, và sự cống hiến.

Tương tự, theo truyền thống Do Thái, khi một người thân yêu lìa đời, có một hành động sau cùng của tình thương và sự tôn trọng mà chúng ta phải làm để tôn kính người quá cố. Khi người thân yêu của chúng ta sắp bị chôn dưới đất, chúng ta cần phải cẩn thận để trở thành người xúc đất lấp quan tài. Từng bạn hữu và thuộc viên trong gia đình đều thay phiên nhau làm công việc nhọc nhằn đó. Mồ hôi và việc làm của chúng ta là dấu hiệu của tình yêu thương.

Đây là lý do tại sao người Kê-hát phải gánh vác các vật thánh nhất và đáng ấp ủ nhất trên chính lưng của họ. Đây là một sự tỏ ra của tình yêu thương, vinh dự và sự cống hiến cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà các đồ vật này tiêu biểu cho. Đây là một việc làm của tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời.

Bài học dành cho chúng ta là phải hầu việc Đức Chúa Trời cũng theo một phương thức thực hữu như thế. Thật lấy làm tốt khi viết ngân phiếu cho một tổ chức từ thiện nhưng thậm chí còn tốt hơn là phải làm việc trong nhà bếp nấu cháo kia. Khi chúng ta lao động về mặt thuộc thể cho Đức Chúa Trời, chúng ta bày tỏ sự cống hiến của chúng ta đối với Ngài. Bạn minh chứng tình cảm của bạn dành cho Đức Chúa Trời như thế nào vậy?


ĐẤNG HƯỚNG DẪN ĐỜI ĐỜI


Đấng Hướng Dẫn Đời Đời
Vì Đức Chúa Trời nầy là Đức Chúa Trời chúng tôi đến đời đời vô cùng; Ngài sẽ dẫn chúng tôi cho đến kỳ chết — Thi thiên 48:14

Nhiều năm trước, một người bạn thân đi tour đến Ba Lan để chứng kiến ​​sự hủy diệt của Phát-xít Đức. Một điều khiến anh ấn tượng là dòng chữ trên bức tường của những gì đã từng là một nhà hội Do Thái sôi động. Trên tường là một lời cầu nguyện được vẽ bằng tay tuyệt đẹp, Lời Cầu Nguyện Cho Những Người Tuận Đạo. Được gọi là Av HaRachamim, nó là một lời cầu nguyện tưởng niệm của người Do Thái viết ra vào cuối thế kỷ 11 hoặc đầu thế kỷ thứ 12 sau sự huỷ diệt của cộng đồng Ashkenazi xung quanh sông Rhine trong cuộc Thập tự chinh thứ nhứt. Bạn tôi nhớ lại rằng nó đã làm ớn lạnh cột sống của anh khi nhìn biết người Do Thái đã đọc lời cầu nguyện này nhiều thập kỷ trước đó, họ không có manh mối nào cho thấy rằng họ sẽ trở thành tiêu điểm chính của lời cầu nguyện này trong nhiều thập kỷ hầu đến.

Thi Thiên 48 kết thúc với câu sau đây: Vì Đức Chúa Trời nầy là Đức Chúa Trời chúng tôi đến đời đời vô cùng; Ngài sẽ dẫn chúng tôi cho đến kỳ chết”. Lịch sử tràn đầy huyết của những người từ chối không chịu từ bỏ Đức Chúa Trời ngay cả khi đối mặt với cái chết.

Tôi nhớ đến ba bạn trẻ Hê-bơ-rơ từ Kinh Thánh – Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô, họ được kêu gọi hy sinh mạng sống của họ vì cớ Đức Chúa Trời. Mấy bạn trẻ này đã bị trục xuất khỏi Israel rồi bị đưa đến Ba-by-lôn, ở đó Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng lên một pho tượng to lớn bằng vàng, ai nấy bị buộc phải thờ lạy. Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô trung tín với Đức Chúa Trời của Israel và từ chối không sấp mình xuống trước pho tượng. Khi Nê-bu-cát-nết-sa phát hiện ra sự từ chối của các bạn trẻ, ông ta dọa sẽ quăng họ vào lò lửa hực để chịu thiêu sống.

Mấy bạn trẻ ấy đáp: "Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, về sự nầy, không cần chi chúng tôi tâu lại cho vua. Nầy, hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua (Đa-ni-ên 3:16-17). Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô, không bị bất cứ ai hay bất cứ điều gì đe dọa. Họ vốn biết rõ rằng họ đã phục vụ Chúa tể tối thượng, Ngài có quyền giải cứu họ ra khỏi bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đây là phần năng động nhất trong đáp lời của ba bạn trẻ kia. Họ nói: Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng (Đa-ni-ên 3:18). Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô tuyên bố rằng ngay cả khi Đức Chúa Trời không đến giải cứu họ và họ phải chết, họ vẫn sẽ vâng lời Chúa. Họ sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ cho Đức Chúa Trời của họ.

Quí bạn ơi, cảm tạ Chúa, hầu hết chúng ta không được kêu gọi hy sinh mạng sống của mình cho Đức Chúa Trời. Thật vậy, Đức Chúa Trời muốn chúng ta tôn thánh Ngài qua cuộc sống hơn, chớ không phải bằng cách chết. Tuy nhiên, chúng ta phải sẵn sàng hy sinh cho Đức Chúa Trời của chúng ta. Nếu thánh nhân trong suốt lịch sử đã sẵn sàng và có thể từ bỏ chính mạng sống của họ cho Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta có thể từ bỏ tiền bạc, của cải, niềm tự hào, sự yên ủi, hoặc thời gian của chúng ta.

Đức Chúa Trời là Đấng hướng dẫn đời đời của chúng ta, và chúng ta phải sẵn lòng bước theo Ngài trong sự vâng phục.


Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

THÁI ĐỘ BIẾT ƠN


Thái Độ Biết Ơn

Đoạn, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho A-rôn rằng: Cầm lấy cây gậy anh, giơ tay ra trên nước xứ Ê-díp-tô, trên rạch, sông, bàu, và khắp mọi nơi có nước trong xứ, hầu cho nước hóa thành huyết; cả xứ Ê-díp-tô, và trong những bình chứa nước bằng gỗ, bằng đá đều sẽ có huyết hết thảy — Xuất Ê-díp-tô ký 7:19

Môi-se và A-rôn đã xác định rõ vai trò của họ. Môi-se sẽ là nhân vật lãnh đạo của con cái Israel, còn A-rôn sẽ là phát ngôn viên của Môi-se một khi Môi-se cảm thấy mình bị giới hạn bởi cách phát ngôn. A-rôn sẽ nói; còn Môi-se sẽ hành động. A-rôn sẽ đưa ra các lời hứa; còn Môi-se sẽ phân phát. Hai anh em là một đội có được đủ sức mạnh và bù đắp cho các nhược điểm của nhau.

Đây là trường hợp, bậc thánh hiền Do Thái bị bối rối khi A-rôn, chớ không phải Môi-se, được truyền cho phải bày ra ba trận dịch đầu tiên sau khi cảnh cáo Pha-ra-ôn. Há đây chẳng phải là đấu trường của Môi-se sao? Môi-se bày ra phần còn lại của các trận dịch, thế sao không bày ra ba trận dịch đầu tiên chứ?

Bậc thánh hiền giải thích rằng trong khi Môi-se bày ra ba trận dịch đầu tiên, thì Đức Chúa Trời đã thực thi một ngoại lệ vì lý do rất hay. Lý do ư? Lòng biết ơn.

Hai trận dịch đầu tiên liên quan đến sông Ni-lơ. Hành động thứ nhứt biến nó thành huyết, và hành động thứ hai mang lại trận dịch ếch nhái, chúng từ dưới sông lên. Sông Ni-lơ đã tử tế với Môi-se. Nó đã trung thành cưu mang ông một cách an toàn khi còn là đứa trẻ, đưa ông vào vòng tay của con gái Pha-ra-ôn. Môi-se mắc nợ sự sống của ông với sông Ni-lơ. Và vì vậy, làm hại dòng sông ấy là không thích ứng với ông.

Trận dịch thứ ba, muỗi, được bày ra qua việc đập trên mặt đất. Môi-se cũng biết ơn đất đai nữa. Khi ông giết người Ai Cập, đất đã hả ra nuốt thi thể để bảo vệ Môi-se khỏi bị tổn hại ngay lập tức, cung ứng cho ông đủ thì giờ để chạy trốn ra đồng vắng để được an toàn. Môi-se cũng mắc nợ sự sống mình đối với đất đai nữa.

Trong việc chọn A-rôn khởi đầu ba trận dịch đầu tiên, Đức Chúa Trời đã dạy cho Môi-se – và hết thảy chúng ta – một bài học rất hay về lòng biết ơn: Nếu chúng ta biết ơn các đối tượng vô tri vô giác, như sông và đất, chúng ta còn phải biết ơn nhiều hơn đối với con người! Khi chúng ta học tập biết ơn mọi thứ trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng sẽ biết ơn con người là thể nào trong cuộc sống của chúng ta nữa.

Việc dân Israel làm nô lệ trong xứ Ai Cập đã khởi sự với thái độ không biết ơn – người Ai Cập không biết ơn vì sự tận tuỵ mà Giô-sáp đã làm cho họ. Sự cứu chuộc của họ khởi sự với thái độ biết ơn.

Quí bạn ơi, sự cứu chuộc luôn khởi sự với sự biết ơn. Khi chúng ta tập trung vào những thử thách của cuộc sống và mọi thứ mà chúng ta không có trong cuộc sống, chúng ta bỏ qua mọi sự mà chúng ta đang có. Chúng ta trở nên mù quáng với các tài nguyên và cơ hội của mình. Hãy dành một chút thì giờ trong tuần này để thưởng thức các sự ban cho mà chúng ta có trong cuộc sống – đồ vật con người. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ thực hiện những bước đầu tiên hướng tới sự tự do cá nhân của chúng ta và một mối quan hệ đời đời với Đức Chúa Trời.