Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

HAI CON DÊ ĐỰA YOM KIPPUR



Hai Con Dê Đực Yom Kippur

Kế đó người phải bắt hai con dê đực, đem để trước mặt Đức GIÊ-HÔ-VA, tại nơi cửa hội mạc. Đoạn, A-rôn bắt thăm cho hai con dê đực, một thăm về phần Đức GIÊ-HÔ-VA, một thăm về phần A-xa-sên — Lê-vi ký 16:7–8

Yom Kippur là một cái bóng của những gì nó đã từng hiện hữu. Hôm nay, ngày lễ được đánh dấu bằng một ngày kiêng ăn và thờ phượng trong nhà hội. Tuy nhiên, khi Đền Thờ còn có đó, người ta đã quan sát một buổi thờ phượng thật tỉ mỉ, lên đến đỉnh điểm khi một sợi chỉ đỏ điều tiêu biểu cho các tội lỗi của Y-sơ-ra-ên sẽ biến thành màu trắng một cách thần kỳ khi họ được tha thứ. Buổi thờ phượng đã lên đến đỉnh cao như thế đến nỗi bậc thánh hiền Do Thái mô tả Yom Kippur là một trong hai ngày vui vẻ nhất trên tờ lịch của người Do Thái.

Buổi thờ phượng đã từng diễn ra trong Đền Thờ chiếu theo các mạng lịnh về hai con dê đực. Hôm nay, chúng ta chỉ đọc về buổi thờ phượng đó mà thôi; tuy nhiên, cái điều bắt buộc là chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa ở đằng sau nghi thức này. Một khi chúng ta làm theo, chúng ta vẫn có thể hưởng lợi từ sứ điệp của hai con dê đực ngay cả khi chúng vắng mặt.

Kinh Thánh đã căn dặn Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm chọn ra hai con dê đực rồi sau đó bắt thăm quyết định số phận của từng con một. Bằng cách bóc thăm, Đức Chúa Trời sẽ quyết định con dê nào sẽ được cung hiến cho Ngài và con kia sẽ trở thành sinh tế được gửi vào sa mạc để chịu chết. Điều răn buộc rằng hai con dê giống hệt nhau về ngoại hình, kích thước và giá trị. Hai con dê này trông giống như hai con dê sanh đôi vậy – giống nhau ở dáng dấp bề ngoài – nhưng số phận của chúng sẽ hoàn toàn khác biệt.

Ý tưởng về cặp sanh đôi trái ngược với tự nhiên là quen thuộc trong Kinh Thánh. Mặc dù sanh đôi, Gia-cốp và Ê-sau không thể khác biệt nhiều hơn. Sau cùng, khi trưởng thành, họ đã có những con đường rất khác nhau trong cuộc sống, và Gia-cốp trở thành tổ phụ của dân sự Đức Chúa Trời trong khi Ê-sau trở thành tổ phụ của dân A-ma-léc – là dân được Kinh Thánh nhứt quyết là kẻ cừu thù của Đức Chúa Trời. Hai con dê kép vào ngày Yom Kippur có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta về Ê-sau và Gia-cốp.

Sứ điệp của hai con dê sanh đôi, ấy là trong khi bề ngoài của chúng có thể đánh lừa người ta, không thể lừa được Đức Chúa Trời. Chỉ có Ngài mới quyết định số phận thích hợp của chúng.Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức GIÊ-HÔ-VA nhìn thấy trong lòng (I Sa-mu-ên 16:7). Nhằm ngày Yom Kippur, chúng ta có một cơ hội rất hay về sự tha thứ. Nhưng để cho việc ấy xảy ra, chúng ta phải nhìn nhận lỗi lầm của chúng ta và quyết tâm sống tốt hơn. Chúng ta chỉ có thể làm được như thế nếu chúng ta sẵn sàng khám phá các thiếu sót lớn lao nhất của chúng ta và đương diện với những tật xấu kín giấu của chúng ta. Chúng ta có thể đánh lừa người khác và thậm chí bản thân chúng ta, song không có việc lừa gạt Đức Chúa Trời được đâu.

Yom Kippur là thời gian đến với sự thanh sạch. Chúng ta cần phải có một cái nhìn trung thực bên trong những chỗ chỉ chúng ta mới có thể xem thấy. Chúng ta phải quyết định chúng ta đã sai lầm từ chỗ nào rồi thực thi các sự sửa đổi. Chỉn khi ấy Đức Chúa Trời có thể làm sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi của chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét