Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

BỐ THÍ ĐỂ SỐNG



Bố Thí Để Sống

Thầy tế lễ đã được phép xức dầu và lập làm chức tế lễ thế cho cha mình, sẽ mặc lấy bộ áo vải gai, tức là bộ áo thánh, mà làm lễ chuộc tội. Người sẽ chuộc tội cho nơi thánh, cho hội mạc, cho bàn thờ, cho những thầy tế lễ, và cho cả dân của hội chúng — Lê-vi ký 16:32–33

Phần trung tâm của lễ Yom Kippur bị thiếu hôm nay. Chương 16 của sách Lê-vi-ký được dành riêng mô tả và hướng dẫn cho lễ Yom Kippur được thực hiện khi Đền Tạm và sau đó khi Đền Thờ đã được xây dựng. Ngày nay, chúng ta không còn có một thầy tế lễ thượng phẩm nào nữa, cũng như chúng ta không dự phần vào lễ tế theo nghi thức. Vậy làm sao chúng ta có được sự chuộc tội?

Có ba chìa khóa chiếm lấy chỗ của buổi lễ được thực hiện trong các thời kỳ Kinh Thánh. Cùng với nhau, chúng mở khóa các cánh cửa của thiên đàng và cho phép chúng ta làm nguôi đi bất kỳ một quyết định khắc khe nào, hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn các quyết định xấu. Ba thành phần là: ăn năn, cầu nguyện và làm lành.

Hiểu rõ lý do tại sao ăn năn và cầu nguyện có thể hoàn tác các hành vi sai trái của chúng ta và thay đổi mọi thứ cho tốt hơn là dễ lắm, nhưng tại sao làm lành lại được chọn làm một trong ba thành phần kia chứ? Thực vậy, bậc thánh hiền Do Thái dạy rằng làm lành mạnh đến nỗi nó có thể cứu một người ra khỏi cái chết! Làm lành có gì là phi thường chứ?

Một câu chuyện thuật lại về Ra-bi Akiva lỗi lạc đã sống trong thời gian khi Đền Thờ thứ hai bị hủy diệt. Chuyện kể rằng Akiva đang có mặt trên tàu khi ông bắt gặp con tàu khác đang đi ngược lại. Ông biết một học giả Ngũ Kinh xuất sắc có mặt trên con tàu đó và giả định rằng ông ta đã chết đuối. Sau đó, Akiva đi ngang qua học giả đó và lấy làm kinh ngạc khi thấy ông ấy còn sống. Akiva hỏi ông ta: "Làm thế nào mà ông còn sống được chứ?" Người kia đáp: "Ấy là nhờ lời cầu nguyện của ông. Tôi đã bị quăng xuống sóng biển cho đến khi tôi tìm thấy chính mình ở trên bờ".

Chưa thoả lòng, Akiva nhấn mạnh: “Có một việc lành tuyệt vời nào mà ông đã làm trước khi lên tàu không?” Người kia giải thích: “À, có một gã ăn mày đến gần tôi khi tôi lên tàu và tôi đưa cho anh ta ổ bánh mì. Anh ta cảm ơn tôi và nói: 'Giống như ông đã cứu mạng tôi, Đức Chúa Trời sẽ cứu ông’”. Ngay lúc đó, Ra-bi Akiva mới hiểu được công đức lớn lao của việc làm lành và đọc lớn tiếng Truyền đạo 11:1: Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại”.

Khi chúng ta bố thí cho người khác một món quà cứu sinh, cuộc sống mà chúng ta đang cứu có thể là của chính chúng ta đấy. Cách chúng ta đối xử với người khác là cách Đức Chúa Trời đối xử với chúng ta. Điều này giải thích lý do tại sao khi chúng ta làm lành vào ngày lễ Yom Kippur, là phong tục của người Do Thái, chúng ta có quyền lật đổ bất kỳ xét nét nào không thuận lợi nghịch cùng chúng ta.

Tôi mời bạn xem xét việc cung ứng món quà từ thiện hôm nay. Hãy nhớ rằng làm lành có thể đến trong các hình thức khác nhau, chớ không phải chỉ bằng tiền bạc. Chúng ta cũng có thể hiến dâng thì giờ và tài năng của mình cho các mục đích của Đức Chúa Trời nữa. Khi chúng ta cung ứng sự sống và niềm vui cho tha nhân, thì Đức Chúa Trời cũng sẽ chúc phước cho chúng ta với một năm sống khác và vui vẻ nữa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét