Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

MÓN QUÀ CỦA TẤM LÒNG THỐNG HỐI


Món Quà Của Tấm Lòng Thống Hối

Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa: Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu — Thi thiên 51:16–17

Phải, hết thảy chúng ta đều có những suy nghĩ và cảm xúc về những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta phê phán bản thân vì những suy nghĩ buồn đau hoặc cảm thấy tồi tệ, chúng ta sẽ ngã lòng nhiều hơn bởi vì chúng ta đang suy nghĩ và cảm nhận theo cách đó. Chúng ta tự khiển trách mình vì không có đủ thái độ biết ơn. Chúng ta cảm thấy không xứng đáng vì không có đủ đức tin. Chúng ta cảm thấy tồi tệ và tồi tệ hơn khi chúng ta phê phán những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Nếu chuyến xe tư tưởng nầy cứ tiếp diễn, chúng ta sẽ tiếp tục đi xuống theo chiều xoắn ốc – trừ phi có một việc gì đó khiến cho chúng ta ra khỏi khuôn khổ ấy.

Ra-bi Menachem Mendel của xứ Kotzk, một giáo sĩ lỗi lạc vào thế kỷ thứ 18, đã từng nói: "Không có gì là trọn vẹn như một tấm lòng thống hối". Hiểu được lời của vị ra-bi là chìa khóa để ra khỏi khuôn khổ suy nghĩ tiêu cực này.

Bạn thấy đấy, vị ra-bi vốn hiểu rõ một tấm lòng thống hối có giá trị rất lớn. Một tâm thần đau thương bày ra một cơ hội thật tuyệt vời. Khi chúng ta ngã lòng, chúng ta có thể tiếp cận Đức Chúa Trời với sự khiêm tốn chân thật, và chẳng có phương thế nào mạnh mẽ hơn để tiếp cận Đức Chúa Trời.

Khi vua David viết Thi thiên 51, ông đã có tấm lòng thống hối. David đã viết Thi thiên này ngay sau khi giáp mặt với tiên tri Na-than vì tội lỗi của ông trong việc ngủ với Bát-sê-ba, một người nữ chồng của nàng đang tác chiến ngoài chiến trường. Na-than khiến cho David nhìn thấy với lối nói bóng bẩy rằng ông đã phạm tội và sẽ gánh chịu những hậu quả.
David đã đau lòng không những vì ông phải gánh chịu sự sửa phạt theo phần xác, mà còn vì những thiệt hại mà ông đã gây ra cho linh hồn ông và mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời. Trong Thi thiên này, David đã tụt xuống điểm thấp nhất trong cuộc đời của ông. Và khi ấy ông đã làm một việc đáng nhớ ông sử dụng tầng đáy bằng đá kia làm bàn đạp để đẩy mình lên trên.
Ông viết: "Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu. David hiểu rõ giá trị của một tấm lòng thống hối. Ông tiếp tục: Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa”. Trong Thi thiên này, David tuyên bố rằng một tâm hồn đau thương thậm chí còn lớn hơn của lễ thiêu đem lên dâng trên Đền Thánh.

Để đánh giá đầy đủ điều mà David đang nói, chúng ta phải hiểu rõ giá trị của của lễ trong sự thờ phượng của người Do-thái. Nó thanh tẩy tội lỗi của người ta, mang lại sự vui mừng cho tấm lòng của họ, và cảm thúc linh hồn họ. David đã nói rằng một tâm thần đau thương là một phương thức thậm chí còn lớn lao hơn để đạt được mọi sự ấy. Một tâm hồn đau thương có thể gợi lên sự tha thứ và phục hồi lại mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Một tấm lòng thống hối, khi được dâng lên cho Chúa, có thể mang chúng ta thậm chí đến gần Ngài hơn là chúng ta đã đến trước đây.

Sứ điệp cho chúng ta là đừng bao giờ thất vọng trước các cảm xúc buồn rầu hay tan vỡ. Thay vì thế, chúng ta nên vòng tay ôm lấy những cảm xúc đó, rồi giống như David, hãy sử dụng chúng để dấy lên ngày càng cao hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét