Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

ĐỨC CHÚA TRỜI CHƠN THẬT DUY NHỨT



Đức Chúa Trời Chơn Thật Duy Nhứt
Thấy vậy, cả dân sự sấp mình xuống đất, và la rằng: Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! — I Các Vua 18:39

Giống như thể làm nổi bật các sự dại dột nơi hành vi của người Do-thái trong phần Kinh Thánh tuần này [Xuất Êdíptô ký 30:11 – 34:35; I Các Vua 18:20-39] – khi họ làm một con bò con bằng vàng đóng vai trò “thần linh” của họ  – phần Kinh Thánh tuần này mô tả một thời điểm trong lịch sử khi sự thờ lạy hình tượng bị đặt vào thử nghiệm. Và nầy, việc ấy đã thất bại!

Thời gian: thế kỷ thứ 9TC

Địa điểm: vương quốc Israel ở phía Bắc.

Dân Israel nhóm lại tại Núi Cạt-mên để có một sự cách biệt. Một mặt, 450 tiên tri tự phong của thần Ba-anh được hậu thuẫn bởi vua A-háp và nữ hoàng Giê-sa-bên. Ở mặt kia là một mình nhân vật Ê-li, là tiên tri.

Thách thức: xin lửa từ trời xuống thiêu nuốt của lễ được dâng lên. Mục đích: để chứng minh ai là Đức Chúa Trời chơn thật.

Đây là việc đã xảy ra. 450 tiên tri lên trước. Họ xây một bàn thờ, kêu cầu với Ba-anh, rồi dâng một con bò đực. Không có chuyện gì xảy ra. Họ đã biểu diễn một điệu múa theo nghi thức tế lễ. Không có chuyện gì xảy ra. Họ kêu cầu lớn tiếng hơn và nhảy múa nhanh hơn. Không có chuyện gì xảy ra. Rồi tới phiên của Ê-li.

Ê-li đã xây một bàn thờ bằng đá và đào một cái mương xung quanh nó. Ông đặt củi lên bàn thờ và một con bò lên trên củi. Rồi ông rưới nước lên của lễ, bàn thờ và cái mương đầy nước. Ê-li đã cầu khẩn danh của Đức Giê-hô-va, và một luồng lửa lập tức giáng xuống từ trời, thiêu nuốt của lễ, bàn thờ, và thậm chí cả nước nữa.

Thắng cuộc tranh chấp, dân Israel tuyên bố: "Đức GIÊ-HÔ-VA – Ngài là Đức Chúa Trời! Đức GIÊ-HÔ-VA – Ngài là Đức Chúa Trời!" Cả dân chúng mau mắn trói 450 tiên tri giả kia lại rồi giao cho Ê-li, ông đã hành quyết họ. Bối cảnh kết thúc khi Ê-li cầu nguyện với Đức Chúa Trời, chấm dứt cơn hạn hán kéo dài ba năm với một cơn mưa thật kỳ diệu.

Đối với dân chúng hiện đại ngày nay, dường như là vô lý khi có ai đó dám tin rằng một hình tượng có nhiều quyền phép hơn Đức Chúa Trời. Dường như chúng ta đã hình dung ra không có một thứ vật chất nào có thể lớn lao hơn Đấng Tạo Hóa của muôn vật!

Nhưng chúng ta có thực sự tin như thế không?

Sự thật cho thấy rằng chúng ta thường đặt nhiều niềm tin vào các thứ vật chất giống như những tiên tri giả đã có trong thời của Ê-li. Đôi khi chúng ta đặt sự tin cậy sai chỗ thay vì đặt nó duy nhứt vào Đức Chúa Trời, chúng ta đặt sự tin cậy vào tờ giấy màu xanh được gọi là tiền bạc. Hoặc nơi một cá nhân nào đó. Hoặc nơi một ngôi nhà, một chiếc xe hơi, hoặc một thiết bị điện tử mới nhất. Khi các thứ ấy không mang lại cho chúng ta sự an ninh và hạnh phúc mà chúng ta mong muốn, chúng ta có thể nhảy nhanh hơn và gào lên to hơn, song cuối cùng, "hình tượng" của chúng ta lại vô quyền không vùa giúp chúng ta.

Chúng ta phải sống với sự dứt khoát đã kinh nghiệm tại Núi Cạt-mên và hãy nhớ: "Đức GIÊ-HÔ-VA – Ngài là Đức Chúa Trời!”  Một mình Ngài có thể vùa giúp chúng ta, và chính Ngài là Đấng mà chúng ta phải phục sự.


Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

MẪU THÂN CỦA MỌI SỰ ÁC



Mẫu Thân Của Mọi Sự Ác

Đi-sôn, Et-xe, và Đi-san. Đó là mấy con trai của Sê-i-rơ, trưởng tộc dân Hô-rít, ở tại xứ Ê-đôm. Các con trai của Lô-than là Hô-ri và Hê-man; còn Thim-na là em gái Lô-than — Sáng thế ký 36:21–22

Có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của sự ác chưa? Theo truyền khẩu Do-thái, căn nguyên mọi điều ác là dân A-ma-léc – là dân đầu tiên tấn công con cái Israel sau khi họ ra khỏi xứ Ai-cập và là dân bị định phải sống trong chiến tranh với Đức Chúa Trời cho đến ngày tận thế. A-ma-léc là nguồn của sự hận thù lớn lao nhất mà thế giới từng nhìn biết — và nguồn gốc của dân A-ma-léc được tìm thấy trong phần Kinh Thánh tuần này [Sáng thế ký 32:4 – 36:43; Ápđia 1:1-21].

Mẹ của A-ma-léc là một người nữ có tên là Thim-na. Kinh thánh cho chúng ta biết rất ít về Thim-na, ngoại trừ nàng là em gái của Lô-than và nàng đã trở thành hầu của con trai Êsau là Ê-li-pha. Bậc thánh hiền Do-thái thắc mắc lý do tại sao chúng ta cần phải biết Lô-than và Thim-na là anh em. Đâu là sứ điệp sống động trong sự hiểu biết các mối quan hệ gia đình của Thim-na?

Bậc thánh hiền điền vào một số khoảng trống. Họ dạy rằng Thim-na rất muốn nhập vào dân Israel. Nàng đã tiếp cận Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, với hy vọng một trong số họ sẽ kết hôn với nàng hay mặt khác đưa nàng vào gia đình của họ. Tuy nhiên, cả ba vị tộc trưởng đều từ chối Thim-na.

Có nhiều suy đoán khác nhau về lý do tại sao họ lại giữ khoảng cách đối với Thim-na. Có người cho rằng họ nhìn thấy trước điều ác sẽ ra từ nàng ta. Những người khác thì nói rằng dòng dõi của Thim-na có một số liên minh rất đáng ngờ và vô đạo đức. Bất kể vì lý do gì, các tổ phụ cảm thấy rằng Thim-na không xứng đáng cho việc nhập vào dân Israel và vì vậy nàng ta đã bị bỏ mặc.

Bấy giờ, Thim-na không phải là một thiếu nữ bình thường. Như câu thơ cho chúng ta biết, nàng là em gái của Lô-than, là một vị hoàng tử. Điều đó có nghĩa là Thim-na là một công chúa; nàng đã hưởng sự giàu có và sự tôn trọng. Với khả năng đó, Thim-na đã sẵn sàng từ bỏ mọi thứ chỉ để trở thành một chi thể trong gia đình của Áp-ra-ham.

Là phương án cuối cùng, nàng kết hôn với thành viên duy nhứt trong gia đình, là người sẽ cưới nàng – con trai của Ê-sau, cháu cố của Áp-ra-ham. Theo truyền khẩu của người Do-thái, Thim-na nói: "Thà làm hầu gái cho dân này còn hơn làm công chúa ở bất cứ dân nào khác". Thim-na kết hôn thành công trong gia tộc của Áp-ra-ham, nhưng các cảm xúc tổn thương và sự chối bỏ vẫn còn đó – và đấy là nguồn gốc của dân A-ma-léc gian ác.

Chúng ta tiếp thu từ câu chuyện của Thim-na khi vòng tay ôm lấy bất kỳ người nào khác. Trong khi các tổ phụ nghĩ rằng họ đang giữ Israel tránh khỏi hận thù, thực ra, họ đang khuyến khích nó. Khi chúng ta từ chối và tránh né bao người khác, điều đó trưởng dưỡng thù hận và bạo lực. Tuy nhiên, khi chúng ta tiếp cận với những người thấp hèn nhất và bị hư mất ở xung quanh chúng ta, chúng ta đang gieo ra tình yêu và sự tử tế. Ngày nay, hãy chìa tay ra với ai đó. Hãy chấp nhận kẻ bị chối bỏ. Chúng ta càng gộp nhiều người khác vào trong tình cảm của chúng ta, thì tình cảm sẽ càng toả ra khắp thế giới.


Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

LỜI CẦU NGUYỆN QUAN TRỌNG NHẤT



Lời Cầu Nguyện Quan Trọng Nhất

Hãy cầu hòa bình cho Jerusalem; Phàm kẻ nào yêu mến ngươi sẽ được thới thạnh  — Thi thiên 122:6

"Hãy cầu nguyện hoà bình cho Jerusalem" là một trong những câu nói nổi tiếng nhất từ ​sách Thi thiên. Nó đã được dùng làm đề tựa cho nhiều bài hát; câu ấy được thốt ra như là lời cầu nguyện của hàng triệu người trên thế giới. Hầu hết chúng ta đều hiểu Jerusalem quan trọng là dường nào cái tên của nó ra từ chữ shalom, bình an cần những lời cầu nguyện của chúng ta vì sự hoà bình đã trốn tránh nó trong hơn hai ngàn năm.

Tuy nhiên, cái điều mà nhiều người trong chúng ta không nhận ra, ấy là khi chúng ta cầu nguyện cho Jerusalem, chúng ta chủ yếu đang cầu thay cho bản thân mình.

Người ta nói rằng bất cứ điều gì xảy ra ở Israel sẽ quyết định số phận của thế giới. Israel là một quốc gia nhỏ hơn tiểu bang New Jersey với dân số ít hơn 0,2% nhân loại, nhưng Israel vẫn tiếp tục làm tiêu đề lớn cấp thế giới hàng ngày trên báo chí. Sở dĩ như thế là vì Israel là tâm điểm của cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa hòa bình và khủng bố. Vì vậy bất cứ điều gì xảy ra ở Jerusalem buộc phải ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.

Về mặt thuộc linh, điều này có ý nghĩa thật trọn vẹn. Truyền khẩu Do-thái dạy rằng khi Đức Chúa Trời dựng nên thế gian, sự sáng tạo bắt đầu ở Jerusalem. Đây là nơi mọi thứ bắt đầu, và đó cũng là nơi mọi thứ sẽ kết thúc. Núi Mô-ri-a ở Jerusalem là nơi mà Gia-cốp gọi là "đền Đức Chúa Trời, thật là cửa của trời!" (Sáng thế ký 28:17). Bậc thánh hiền Do-thái mô tả Jerusalem là trái tim của thế giới — và một thân thể chỉ khỏe mạnh giống như trái tim của nó.

Đó là lý do tại sao những câu tiếp theo trong câu 6 của Thi Thiên 122 là: “Phàm kẻ nào yêu mến ngươi sẽ được thới thạnh. Những người nào yêu mến Jerusalem và cầu nguyện cho sự hoà bình của nó, đem lại sự bình an và thới thạnh cho chính họ. Chỉn khi Jerusalem được an ninh thì chúng ta mới có thể hy vọng tìm được sự thới thạnh cho bản thân chúng ta.

Hôm nay, bạn đã cầu nguyện cho sự hoà bình của Jerusalem chưa? Tôi không thể nghĩ đến một lời cầu nguyện nào quan trọng hơn. Xin cầu thay cho Jerusalem hôm nay và mỗi ngày, bởi vì nếu chúng ta có thể chữa lành trái tim của thế giới, phần còn lại của thân thể sẽ được lành sau đó. Hãy chữa lành Jerusalem, và chúng ta sẽ chữa lành cho cả thế giới.