Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

HATIKVAH: HY VỌNG


Hatikvah — Hy Vọng
Sau nầy, Gia-cốp đâm rễ, Y-sơ-ra-ên kết nụ và nở hoa, chắc sẽ ra trái đầy trên mặt đất — Êsai 27:6

Hãy đi, hội hiệp các trưởng lão Y-sơ-ra-ên, mà nói cùng họ rằng: Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi, Đức Chúa Trời của Ap-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, đã hiện ra cùng ta mà phán rằng: Thật vậy, ta đã thăm viếng các ngươi, thấy điều họ đãi các ngươi tại xứ Ê-díp-tô, nên ta đã phán rằng: Ta sẽ rút các ngươi ra khỏi cảnh khổ tại xứ Ê-díp-tô… (Xuất Êdíptô ký 3:16–17).

Bậc thánh hiền Do Thái thắc mắc, tại sao Môi-se không nói với Pha-ra-ôn trước tiên, bắt đầu tiến trình cứu chuộc, rồi sau đó đến với người Do Thái để nói cho họ biết rằng sự cứu chuộc đang ở gần? Thực vậy, tại sao người Do Thái cần phải biết bất cứ điều gì đang diễn ra đằng sau hậu trường mà chi chứ?

Câu trả lời là hy vọng.

Con cái Y-sơ-ra-ên hết phương kế rồi. Họ đã bị nô lệ trong nhiều thế kỷ, và bất kỳ hy vọng nào chấm dứt việc ấy đều tan biến đi cách nhanh chóng. Mọi thứ chỉ trở nên khắc nghiệt hơn trong cuộc sống đầy cay đắng của họ. Đức Chúa Trời bảo Môi-se trước tiên đến người Do thái để thắp lên ngọn lửa hy vọng ở trong lòng họ. Họ cần sự khích lệ để đứng thẳng lên thêm một chút nữa. Nếu họ mất hết hy vọng, và cùng với nó là đức tin của họ, họ sẽ không xứng đáng để được cứu chuộc. Đức Chúa Trời, trong ơn thương xót của Ngài, đã sai Môi-se bước vào một sứ mệnh khẩn cấp để hà hơi sống vào những linh hồn yếu đuối của họ.

Tương tự vậy phần Kinh Thánh tuần này, rút ra từ sách Êsai, bắt đầu bằng một lời tiên tri nói tới sự cứu chuộc. Êsai đã dành phần lớn sự nghiệp nói tiên tri của ông dự đoán sự diệt vong và cảnh báo về sự lưu đày. Tuy nhiên, ông cũng nói tiên tri về việc cứu chuộc. Trong khi phần còn lại của phân đoạn Kinh Thánh hôm nay theo chủ đề quở trách và cảnh cáo người Do-thái, nó khởi sự với một sứ điệp hy vọng. Có một câu nói trong Do-thái giáo: "Đức Chúa Trời gửi thuốc trước khi Ngài đưa bệnh tới". Nói cách khác, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta hy vọng để chúng ta có thể chịu đựng những thử thách của chúng ta.

Rabi Nachman xứ Breslev, một vị rabi kỉnh kiền vào thế kỷ 19, đã nói: "Bỏ đi hy vọng là điều cấm kỵ!" Hy vọng là nhiên liệu của đức tin. Nếu chúng ta mất hy vọng, chúng ta không còn điều động được đức tin, và nếu chúng ta không còn lay động được đức tin, chúng ta sẽ không làm cho nó nhắm tới sự cứu chuộc được. Vì vậy, hãy neo giữ và bám lấy hy vọng, vô luận là cảnh ngộ nào đi nữa. Xuyên suốt lịch sử, người Do Thái đã làm chỉ từng ấy việc mà thôi.

Chúng ta không bao giờ từ bỏ hy vọng chúng ta sẽ trở lại Israel ngay cả sau nhiều thiên niên kỷ lưu vong, và đấy là lý do tại sao chúng ta sống ở đây hôm nay. Không có gì ngạc nhiên khi có một tiêu đề duy nhất cho bài quốc ca của Israel: Hatikvah: "Hy Vọng". Nguyện đây là bài quốc ca của bạn hôm nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét