Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

ƠN PHƯỚC ĐỂ ĐƯỢC CAO TRỌNG


Ơn Phước Để Được Cao Trọng

Nhưng cha người không chịu và cãi rằng: Cha biết, con, cha biết. Nó sẽ trở nên một dân; nó cũng sẽ lớn vậy, con; song thể nào em nó cũng sẽ lớn hơn và dòng dõi nó sẽ thành ra vô số nước — Sáng thế ký 48:19

Theo truyền khẩu Do-thái, chúng ta chúc phước cho con cái chúng ta vào những đêm Thứ Sáu ngay trước khi chúng ta bắt đầu bữa ăn ngày Sa-bát. Chúng ta đặt tay trên đỉnh đầu của mỗi đứa trẻ và chúc phước cho nó [nam hay nữ]. Gốc rễ của tập tục này được tìm thấy trong phần đọc Kinh Thánh tuần này [Sáng thế ký 47:28 – 50:26; I Các Vua 2:1-12].

Giô-sép đem hai con trai mình đến gặp Gia-cốp để được chúc phước cho. Ma-na-se, là anh, được đặt bên phải Gia-cốp trong khi Ép-ra-im được đặt ở bên trái Gia-cốp. Trong Do-thái giáo, phía bên phải được coi là phía mạnh mẽ hơn, và theo tính toán của Giô-sép, con cả của ông xứng đáng nhận được phần phước lớn lao hơn.

Ngạc nhiên thay, Gia-cốp đã chéo tay mình rồi đặt bàn tay mạnh hơn lên đầu của Ép-ra-im. Tưởng cha mình mắc sai lầm, Giô-sép đã tìm cách sửa lại. Tuy nhiên, Gia-cốp giải thích: "nó cũng sẽ lớn vậy, con; song thể nào em nó cũng sẽ lớn hơn và dòng dõi nó sẽ thành ra vô số nước”.

Giacốp đã nhìn thấy trước rằng đứa nhỏ có nhiều tiềm năng hơn về sự cao trọng, và ông cũng chúc phước lớn lao hơn cho Ép-ra-im.

Bậc thánh hiền Do-thái thắc mắc: Nếu Ép-ra-im tự nhiên sở hữu những gì Ma-na-se thiếu, thế thì tại sao không chúc cho Ma-na-se ơn phước lớn lao hơn chứ? Dường như một người bị định cho sự cao trọng sẽ cần ít sự trợ giúp từ các ơn phước, trong khi một người kém ơn hơn sẽ cần được giúp đỡ nhiều hơn. Trong khi cả hai: Ma-na-se và Ép-ra-im được định để trở nên cao trọng, Ép-ra-im đã mong muốn vượt qua anh của mình. Dường như việc ban cho Ma-na-se một lời chúc phước mạnh mẽ hơn sẽ cân đối phần sân chơi.

Bậc thánh hiền giải thích rằng, thực vậy, tiềm năng của một người càng lớn, họ càng cần nhiều ơn phước. Sở dĩ như vậy là vì khả năng của một người càng lớn, thách thức của họ sẽ càng lớn lao hơn. Đức Chúa Trời muốn mỗi một người chúng ta phải bộc lộ tiềm năng của mình ra và trở nên cao trọng như chúng ta có thể đạt tới, cũng vậy, Ngài cho mỗi một người những thách thức phù hợp với cấp độ khả năng và sự tấn tới của họ. Giống như một vị giáo sư sẽ không ấn định bài tập về nhà ở lớp một cho học sinh lớp mười, hoặc ngược lại, Đức Chúa Trời không ấn định các công việc hoặc thách thức nhiều hoặc ít hơn một người có thể xử lý. Ép-ra-im cần sự chúc phước lớn lao hơn vì những thử thách của ông trong cuộc sống sẽ là khó nhọc nhiều hơn so với các thử thách của anh mình.

Đôi khi, người ta mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng những thử thách của họ trong cuộc sống là một dấu hiệu cho thấy họ không được định cho sự cao trọng. Chúng ta tin rằng phẩm chất tiêu cực  hoặc những ham muốn tội lỗi của chúng ta dẫn tới chỗ chúng ta bị định cho phải thất bại.

Tuy nhiên, bậc thánh hiền dạy cho chúng ta điều ngược lại là đúng. Những thử thách của một người càng lớn lao thì tiềm năng của người đó càng lớn lao hơn. Chúng ta không nên nhầm lẫn những thiếu sót của mình với vận mệnh của chúng ta. Thay vì thế, chúng ta cần phải cầu xin Đức Chúa Trời để có được các ơn phước của Ngài hầu cho chúng ta có thể biến các thách thức của chúng ta trở thành sức lực của chúng ta và trở thành hạng người tốt nhất mà chúng ta sẽ trở thành.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét